CÔNG TY TNHH MTV THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ LINH ANH
CONNECT ANY WAY - TRANSPORT ALL THE WORLD
Tin chuyên ngành

Thủ tục nhập khẩu hàng triển lãm: Hướng dẫn chi tiết từ A đến Z

Ngày 25-12-2024 Lượt xem: 388

Khám phá sự khác biệt trong quy trình, chứng từ, thủ tục nhập khẩu hàng triển lãm cùng LATAS.

Thủ tục nhập khẩu hàng triển lãm, hay còn gọi là tạm nhập tái xuất hàng hóa để tham gia hội chợ, triển lãm, là một quy trình cho phép doanh nghiệp đưa hàng hóa vào Việt Nam để trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó tái xuất khẩu. 

Tuy đây cũng là một hình thức xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng nó có nhiều điểm khác biệt so với thụ tập nhập khẩu hàng hóa thông thường. Việc nắm rõ các thủ tục, hồ sơ và quy định liên quan sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện quy trình này một cách hiệu quả và tuân thủ pháp luật.

1. Khái niệm và tầm quan trọng của thủ tục tạm nhập tái xuất hàng triển lãm

Tạm nhập tái xuất hàng triển lãm là việc doanh nghiệp nhập khẩu tạm thời hàng hóa vào Việt Nam để tham gia các sự kiện như hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sau đó xuất khẩu trở lại nước xuất xứ hoặc sang nước thứ ba trong thời hạn quy định. Quy trình này giúp doanh nghiệp:

  • Quảng bá sản phẩm: Giới thiệu sản phẩm mới, tiếp cận thị trường và khách hàng tiềm năng.

  • Khảo sát thị trường: Đánh giá phản hồi của khách hàng, nghiên cứu nhu cầu và xu hướng thị trường.

  • Thiết lập quan hệ kinh doanh: Tìm kiếm đối tác, mở rộng mạng lưới kinh doanh.

tham gia trien lam

2. Cơ sở pháp lý

Thủ tục tạm nhập tái xuất hàng triển lãm được quy định trong các văn bản pháp luật sau:

  • Nghị định 08/2015/NĐ-CP: Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

  • Nghị định 59/2018/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP.

  • Thông tư 38/2015/TT-BTC: Hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Hồ sơ hải quan cho hàng tạm nhập tái xuất

Theo quy định tại khoản 26 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP, hồ sơ hải quan đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất để tham gia hội chợ, triển lãm bao gồm:

  • Tờ khai hải quan: Theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành.

  • Chứng từ vận tải: Trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt (01 bản chụp).

  • Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền: Về việc tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm (01 bản chụp).

  • Giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành: Theo quy định của pháp luật có liên quan (01 bản chính).

4. Địa điểm làm thủ tục hải quan

Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các địa điểm sau để thực hiện thủ tục hải quan:

  • Chi cục Hải quan nơi có hội chợ, triển lãm: Thuận tiện nếu hàng hóa được trưng bày tại địa phương đó.

  • Chi cục Hải quan cửa khẩu: Nếu hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế.

  • Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh: Trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

  • Chi cục quản lý doanh nghiệp chế xuất: Đối với doanh nghiệp chế xuất đưa hàng hóa vào nội địa hoặc ra nước ngoài để tham gia hội chợ, triển lãm.

5. Thời hạn tạm nhập và tái xuất

Thời hạn tạm nhập và tái xuất được quy định như sau:

  • Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam: Phải được tái xuất khẩu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm đã đăng ký với cơ quan hải quan.

  • Hàng hóa tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài: Thời hạn tạm xuất là một năm kể từ ngày hàng hóa được tạm xuất khẩu. Nếu quá thời hạn này mà chưa được tái nhập khẩu, hàng hóa sẽ phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

6. Miễn thuế đối với hàng tạm nhập tái xuất

Theo khoản 1 Điều 103 Thông tư 38/2015/TT-BTC, hàng hóa tạm nhập, tái xuất để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được miễn thuế nhập khẩu khi tạm nhập và thuế xuất khẩu khi tái xuất. Tuy nhiên, nếu quá thời hạn tạm nhập - tái xuất theo quy định, doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế.

Cụ thể: 

- Hàng hoá tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc như: hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, khám chữa bệnh, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài, máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để phục vụ thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm, máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập khác trong thời hạn nhất định để phục vụ công việc (trừ máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất thuộc đối tượng được miễn thuế theo quy định tại khoản 17 Điều này hoặc xét hoàn thuế hướng dẫn tại khoản 9 Điều 114 Thông tư này), thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu khi tạm nhập khẩu và thuế xuất khẩu khi tái xuất khẩu đối với hàng tạm nhập, tái xuất hoặc miễn thuế xuất khẩu khi tạm xuất khẩu và thuế nhập khẩu khi tái nhập khẩu đối với hàng tạm xuất tái nhập.

- Hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế tại khoản này nếu quá thời hạn tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất - tái nhập theo quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì phải nộp thuế.

7. Quy trình thực hiện thủ tục tạm nhập tái xuất hàng triển lãm

Quy trình thực hiện thủ tục tạm nhập tái xuất hàng triển lãm bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định, bao gồm:

  • Hợp đồng sửa chữa, hợp đồng bảo hành, hợp đồng thuê mướn... 

  • Commercial Invoice được người gửi cung cấp. 

  • Packing List

  • Công văn xin tạm nhập – tái xuất

  • Tờ khai tạm nhập

  • Vận đơn

  • Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan hải quan, thực hiện kiểm tra và bổ sung nếu có thiếu sót.

  • Bước 3: Kiểm tra và nhận hàng hóa tại cảng hoặc kho lưu trữ và vận chuyển đến địa điểm triển lãm.

  • Bước 4: Trưng bày và bảo quản hàng hóa đúng cách để tránh hư hỏng hoặc mất mát.

  • Bước 5: Thực hiện tái xuất, doanh nghiệp tiến hành thủ tục tái xuất với hồ sơ tương tự như hồ sơ tạm nhập, bổ sung thêm các tài liệu chứng minh việc đem hàng hóa tham gia triển lãm.

Lưu ý: 

Chứng từ cần đảm bảo đầy đủ và khớp thông tin

Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ các thông tin trên chứng từ, bao gồm số serial, model, hãng sản xuất và nguồn gốc xuất xứ, để đảm bảo khớp với thông tin thực tế trên hàng hóa. Một giải pháp hữu ích là yêu cầu đối tác hoặc nhà cung cấp chụp ảnh sản phẩm chi tiết trước khi gửi hàng, từ đó so sánh và đối chiếu với tài liệu liên quan.

Thuế nhập khẩu và VAT

  • Giá trị hàng hóa tạm nhập sẽ không bị tính thuế nhập khẩu, trừ trường hợp hàng hóa tạm nhập theo hình thức thuê mượn có phát sinh phí thanh toán cho bên nước ngoài. Trong tình huống này, thuế nhập khẩu sẽ được tính dựa trên phí thuê mượn và mã HS của hàng hóa, giống như cách tính thuế nhập khẩu trong trường hợp kinh doanh thông thường.

  • Đặc biệt, hàng hóa tạm nhập tái xuất không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), đây là điểm quan trọng cần lưu ý để tránh các hiểu nhầm trong quá trình thực hiện.

Thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục nhập khẩu hàng triển lãm có thể hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Việc nắm vững các quy định, chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện đúng quy trình không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý mà còn tối ưu hóa lợi ích từ việc tham gia các sự kiện triển lãm. 

Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, cần tham vấn từ chuyên gia logistics, hãy liên hệ ngay với LATAS. Với đội ngũ nhân sự dày dặn kinh nghiệm trong ngành, chúng tôi tự tin hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo thủ tục diễn ra thuận lợi và hiệu quả.

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat